CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
KẾ HOẠCH
THỰC HIỆN CHUYÊN ĐỀ MÔN ĐỊA LÝ CẤP TRƯỜNG
Năm học : 2021 – 2022
Căn cứ vào nhiệm vụ chuyên môn năm học 2021-2022 của trường THCS Quang Trung
Căn cứ kế hoạch hoạt động của tổ chuyên môn năm học 2021-2022.
Tổ SỬ- ĐỊA – GDCD xây dựng kế hoạch thực hiện chuyên đề Địa lý:
Một số phương pháp tích hợp giáo dục bảo vệ môi trường
trong giảng dạy Địa lý lớp 7
I. Mục đích:
- Nhằm trang bị kiến thức và những hiểu biết đúng đắn về môi trường tự nhiên và giáo dục cho học sinh ý thức trong việc bảo vệ môi trường sống.
- Nhằm phát huy tính tích cực học tâp của học sinh , nâng cao chất lượng học tập bộ môn.
II. Nội dung chuyên đề.
Chuyên đề: Một số phương pháp tích hợp giáo dục bảo vệ môi trường
trong giảng dạy Địa lý lớp 7
III. Thành phần tham dự chuyên đề.
- Ban giám hiệu trường
- Tổ trưởng chuyên môn các tổ.
- Giáo viên Tổ Sử - Địa - GDCD.
IV. Tổ chức thực hiện.
1. Phân công thực hiện chuyên đề.
- Viết báo cáo:
- Thiết kế giáo án minh họa:
- Bài dạy minh họa: Ô nhiễm môi trường ở đới ôn hòa – Địa lý 7
- Chỉ đạo nội dung, kiểm tra nội dung báo cáo và giáo án dạy minh họa:
- Thư ký:
- Chuẩn bị tài liệu báo cáo:
2. Chuẩn bị cho chuyên đề.
- Trang trí:
- Chuẩn bị bàn ghế, phòng học:
3. Chương trình thực hiện chuyên đề:
- Thông qua báo cáo lý luận chuyên đề:
- Thể hiện tiết minh họa chuyên đề:
- Thảo luận, góp ý chuyên đề.
- Phát biểu ý kiến của Ban giám hiệu
- Bế mạc.
Trên đây là kế hoạch tổ chức thực hiện chuyên đề của tổ. Rất mong được sự quan tâm chỉ đạo của BGH nhà trường để chuyên đề thực hiện thành công và có hiệu quả.
NỘI DUNG CHUYÊN ĐỀ
A. ĐẶT VẤN ĐỀ
Môi trường là một bộ phận tự nhiên của Trái Đất, nó cung cấp những điều kiện phục vụ cho hoạt động đời sống của con người chẳng hạn như đất đai, không khí, nước, tài nguyên thiên nhiên,… Đó không chỉ là nơi tồn tại, sinh trưởng và phát triển mà còn là nơi lao động và nghỉ ngơi, hưởng thụ và trau dồi những nét đẹp văn hoá, thẩm mĩ…
Mỗi hoạt động của con người đều ít nhiều ảnh hưởng đến môi trường xung quanh, sự tác động này ngày càng tăng theo sự phát triển của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và sự gia tăng dân số của thế giới.
Đặc biệt, trong những thập kỉ gần đây, với những bước tiến vượt bậc của cách mạng khoa học kĩ thuật cùng với những diễn biến kinh tế xã hội mang tính toàn cầu, đã làm cho tác động của con người đến môi trường ngày càng rộng lớn và sâu sắc. Làm cho tài nguyên thiên nhiên cạn kiệt, cân bằng sinh thái bị đảo lộn, Trái đất ngày càng nóng lên, thiên tai ngày càng nhiều... Nhìn chung chất lượng môi trường giảm sút một cách phổ biến và trầm trọng hơn bao giờ hết.
Vì vậy, việc bảo vệ môi trường (BVMT) hiện đang là một trong nhiều mối quan tâm mang tính toàn cầu. Đặc biệt Học sinh sẽ là những người chủ tương lai của đất nước, các em cần được trang bị kiến thức và những hiểu biết đúng đắn về môi trường tự nhiên . Chính vì lý do đó việc giáo dục học sinh có ý thức bảo vệ môi trường hiện nay là vô cùng quan trọng.
Trong các bộ môn Hóa, Sinh, Sử, Địa, Giáo dục công dân, … ở trường phổ thông đều có khả năng giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh, song phù hợp và thuận lợi nhất là môn Địa lí.
Vì những lí do trên Tổ Sử - Địa trường THCS Quang Trung đã mạnh dạn xây dựng chuyên đề “Một số phương pháp tích hợp giáo dục bảo vệ môi trường trong giảng dạy địa lí lớp 7 ” nhằm giúp cho việc giáo dục học sinh ý thức bảo vệ môi trường đạt được hiệu quả cao hơn.
B. NỘI DUNG
I- THỰC TRẠNG:
1.Thuận lợi:
-Đội ngũ giáo viên luôn được sự quan tâm, chỉ đạo chặt chẽ về mặt chuyên môn của BGH nhà trường.
-Giáo viên có kinh nghiệm giảng dạy, có lòng nhiệt tình, ứng dụng công nghệ thông tin tốt và tinh thần học hỏi cao.
-Tài liệu về tích hợp môi trường rất phong phú: đài, báo, mạng internet,...
-Cơ sở vật chất của nhà trường tương đối tốt, đặc biệt hệ thống máy chiếu đã giúp giáo viên dễ dàng truyền tải những hình ảnh về môi trường đến với học sinh.
-Tích hợp môi trường được thực hiện đồng bộ ở tất cả các môn và các cấp học.
-Học sinh thuộc địa bàn thành phố nên có điều kiện học tập tốt, truyền thống hiếu học luôn được phát huy.
2. Khó khăn:
-Học sinh lớp 7 còn nhỏ, kiến thức còn hạn chế nên tư duy giữa các sự vật, hiện tượng với hậu quả tác động đến môi trường chưa cao.
-Một số học sinh chưa nhận thức đúng đắn được ý nghĩa của vấn đề bảo vệ môi trường.
II. CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN:
1. Cơ sở lí luận:
a - Môi trường:
Môi trường là tập hợp tất cả các yếu tố tự nhiên và xã hội bao quanh con người, ảnh hưởng tới con người và tác động đến các hoạt động sống của con người như: không khí, nước, độ ẩm, sinh vật, xã hội loài người và các thể chế.
b- Giáo dục môi trường là gì?
"Giáo dục môi trường là một quá trình thông qua các hoạt động giáo dục chính quy và không chính quy nhằm giúp con người có được sự hiểu biết, kỹ năng và giá trị tạo điều kiện cho họ tham gia vào phát triển một xã hội bền vững về sinh thái".
Mục đích của Giáo dục môi trường nhằm vận dụng những kiến thức và kỹ năng vào gìn giữ, bảo tồn, sử dụng môi trường theo cách thức bền vững cho cả thế hệ hiện tại và tương lai. Nó cũng bao hàm cả việc học tập cách sử dụng những công nghệ mới nhằm tăng sản lượng và tránh những thảm hoạ môi trường, xoá đói giảm nghèo, tận dụng các cơ hội và đưa ra những quyết định khôn khéo trong sử dụng tài nguyên. Hơn nữa, nó bao hàm cả việc đạt được những kỹ năng, có những động lực và cam kết hành động, dù với tư cách cá nhân hay tập thể, để giải quyết những vấn đề môi trường hiện tại và phòng ngừa những vấn đề mới nảy sinh.
Ở nước ta, bảo vệ môi trường cũng đang là vấn đề được quan tâm sâu sắc, điều này được thể hiện trong các nghị quyết số 41/NQ – TW ngày 15 tháng 11 năm 2004 ; Nghị quyết số 35/ NQ – CP ngày 15/7/2013,… nhằm cụ thể hóa và triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước về vấn đề bảo vệ môi trường. Ngày 31 tháng 1 năm 2005 Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Chỉ thị “Về việc tăng cường công tác giáo dục bảo vệ môi trường” trong các môn học, từ đại học, trung học chuyên nghiệp, trung học phổng thông, trung học cơ sở,…
2. Cơ sở thực tiễn:
Vấn đề giáo dục ý thức bảo vệ môi trường hiện nay là một vấn đề mang tính thời sự cấp thiết, là một nội dung giáo dục không thể thiếu được trong nhà trường hiện nay.
Thực hiện tốt quá trình giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh là hình thành cho các em kĩ năng ( thói quen) thực hiện nếp sống văn minh, lành mạnh tức là đã góp phần khắc phục tình trạng suy thoái của môi trường nhằm tiếp tục phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo đời sống ấm no, hạnh phúc, không làm tổn hại đến môi trường, làm cho môi trường ngày càng trở nên tốt đẹp hơn, phục vụ cho đời sống con người.
Ngoài tính cấp thiết, không thể thiếu được trong nội dung giáo dục môi trường trong nhà trường, việc giáo dục ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh còn mang tính chất phổ biến, có thể thực hiện trong phạm vi rộng lớn ở các trường phổ thông góp phần giải quyết vấn đề giáo dục dân số và môi trường trong nhà trường mà ngành đã đặt ra, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy, thực hiện tốt mục tiêu nguyên lí giáo dục trong tình hình mới, giúp học sinh hiểu thiên nhiên và có tác động tích cực đối với thiên nhiên và môi trường.
Trong chương trình Địa lí lớp 7 có 61 bài, trong đó có 19 bài cần tích hợp bảo vệ môi trường
III. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN:
1. Địa chỉ tích hợp giáo dục môi trường trong chương trình Địa lý lớp 7.
Tiết Bài Tên bài dạy Phần tích hợp bảo vệ môi trường
Phần một. Thành phần nhân văn của môi trường
Tiết 1 Bài 1 Dân số Mục 2,3
Tiết 3 Bài 3 Quần cư. Đô thị hóa Mục 2
Phần hai. Các môi trường địa lý
Chương I. Môi trường đới nóng. Hoạt động kinh tế của con người ở đới nóng
Tiết 7 Bài 6 Môi trường nhiệt đới Mục 2
Tiết 9 Bài 9 Hoạt động sản xuất động nông nghiệp ở đới nóng Mục 1
Tiết 10 Bài 10 Dân số và sức ép dân số tới tài nguyên, môi trường đới nóng Mục 1,2
Tiết 11 Bài 11 Di dân và sự bùng nổ đô thị ở đới nóng Mục 1,2
Chương II. Môi trường đới ôn hòa. Hoạt động kinh tế của con người ở đới ôn hòa
Tiết 17 Bài 15 Hoạt động công nghiệp ở đới ôn hòa Mục 2
Tiết 18 Bài 16 Đô thị hóa ở đới ôn hòa Mục 2
Tiết 19 Bài 17 Ô nhiễm môi trường ở đới ôn hòa Mục 1,2
Tiết 20 Bài 18 Thực hành: Nhận biết đặc điểm môi trường đới ôn hòa Bài tập 3
Chương III.
Môi trường hoang mạc.
Hoạt động kinh tế của con người ở hoang mạc
Tiết 22 Bài 20 Hoạt động kinh tế của con người ở hoang mạc Mục 2
Chương IV. Môi trường đới lạnh.
Hoạt động kinh tế của con người ở đới lạnh
Tiết 24 Bài 22 Hoạt động kinh tế của con người ở đới lạnh Mục 2
Chương VI. Châu Phi
Tiết 34 Bài 31 Kinh tế châu Phi (tiếp theo) Mục 1,2
Học kì II
Tiết 37 Bài 32 Các khu vực châu Phi Mục 2
Chương VII. Châu Mỹ
Tiết 43 Bài 38 Kinh tế Bắc Mỹ Mục 1
Tiết 50 Bài 45 Kinh tế Trung và Nam mỹ (Tiếp theo) Mục 3
Chương VIII. Châu Nam Cực
Tiết 54 Bài 47 Châu Nam Cực – Châu lục lạnh nhất thế giới Mục 1
Chương X. Châu Âu
Tiết 62 Bài 55 Kinh tế châu Âu Mục 3
Tiết 63 Bài 56 Khu vực Bắc Âu Mục 2
2. Các mục tiêu cần đạt được khi tích hợp giáo dục môi trường cho học sinh
2.1. Muốn thực hiện việc giáo dục học sinh ý thức bảo vệ môi trường, nội dung trước tiên mà môn Địa lí nêu lên được là những mối quan hệ các thành phần trong tự nhiên.
+ Mối quan hệ giữa con người với môi trường - Dân số với môi trường.
+Mối quan hệ giữa môi trường trên Trái Đất và những vấn đề nội lực có liên quan đến môi trường (như động đất, núi lửa,…).
2.2.Môn địa lí sẽ trang bị những hiểu biết cụ thể và cần thiết về hệ sinh thái – về tài nguyên, những điều kiện tồn tại, phát triển và yêu cầu khai thác tài nguyên, môi trường ( Đất, nước, động – thực vật,…).
2.3. Trang bị cho học sinh những hiểu biết về bảo vệ môi trường. Thường xuyên phổ biến, khuyến khích áp dụng những thành tựu khoa học về công nghệ môi trường trong và ngoài nước ( ví dụ: sử dụng năng lượng gió, năng lượng mặt trời, các phương tiện giao thông sử dụng xăng sinh học (E5), hố phân tự hoại sinh khí Biogas …)
2.4. Giáo dục cho học sinh những hiểu biết về bảo vệ môi trường xung quanh lớp học, sân trường, gia đình, địa phương. Rèn luyện thói quen, nếp sống văn minh. Không vứt rác bừa bãi, giữ vệ sinh công cộng, chăm sóc bảo vệ hoa kiểng, cây xanh trong trường. Thực hiện tốt phong trào “ Trường học thân thiện – có cảnh quan xanh, sạch, đẹp”
3. Các phương pháp tích hợp môi trường trong giảng dạy Địa lý.
3.1. Phương pháp đàm thoại:
Đàm thoại là phương pháp dạy học có lịch sử lâu đời và được sử dụng thường xuyên trong giảng dạy Địa lí ở trường phổ thông từ trước đến nay. Đàm thoại về thực chất là phương pháp dạy học mà ở đó giáo viên sử dụng hệ thống câu hỏi để dẫn dắt, chỉ đạo học sinh tìm hiểu và lĩnh hội nội dung của bài học. Như vậy, hệ thống hỏi – đáp là cốt lõi của phương pháp đàm thoại.
Ví dụ:
* Bài 11(Di dân và sự bùng nổ đô thị ở đới nóng) Dạy Mục 2: Đô thị hóa.
Câu hỏi:? Nêu những tác động xấu tới môi trường do đô thị hóa tự phát ở đới nóng gây ra? (học sinh kết hợp quan sát hình 11.1- Xin-ga-po, thành phố sạch nhất thế giới và hình 11.2- Khu nhà ổ chuột ở Ấn Độ). Giải pháp?
Giáo viên cho học sinh trình bày (giáo viên cũng có thể gợi ý thêm) rồi chốt lại theo hướng:
-Đô thị hóa tự phát như ở Ấn Độ để lại nhiều hậu quả nặng nề cho đời sống (thiếu điện nước và tiện nghi sinh hoạt, dễ bị dịch bệnh,…) và cho môi trường (rác thải và nước thải sinh hoạt làm ô nhiễm nước, không khí, làm mất đi vẻ đẹp của môi trường đô thị,…)
-Đô thị hóa có kế hoạch như ở Xin-ga-po thì cuộc sống người dân ổn định, có đủ tiện nghi sinh hoạt, môi trường đô thị sạch đẹp,…
Giải pháp: gắn liền đô thị hóa với phát triển kinh tế và phân bố lại dân cư hợp lí…
*Bài 16 (Đô thị hóa ở đới ôn hòa)- mục 2 (các vấn đề của đô thị).
?Bằng hiểu biết của mình, em hãy cho biết những vấn đề xã hội nảy sinh khi các đô thị phát triển quá nhanh? Hướng giải quyết?
Dựa vào kiến thức học sinh đã được học từ những bài trước, kết hợp với hiểu biết trong cuộc sống xung quanh, qua đài truyền hình, internet…các em sẽ phân tích được các vấn đề nảy sinh như:
- Nạn kẹt xe trong giờ cao điểm, khói bụi từ các phương tiện giao thông và nhà máy, nước và rác thải của sinh hoạt, của công nghiệp …gây ô nhiễm môi trường.
- Các dự án treo, người dân thất nghiệp, tệ nạn xã hội…
*Bài 20 (Hoạt động kinh tế của con người ở môi trường hoang mạc) khi dạy mục 2 (Hoang mạc đang ngày càng mở rộng), giáo viên đưa ra hệ thống câu hỏi:
?Nêu một số ví dụ cho thấy những tác động của con người đã làm tăng diện tích hoang mạc trên thế giới?
-Do con người khai thác cây xanh quá mức…(giải quyết thức ăn cho chăn nuôi, lấy củi làm chất đốt…)
-Trồng trọt và chăm sóc không đúng phương pháp …
? Nêu một số biện pháp nhằm hạn chế sự phát triển hoang mạc?
-Đưa nước vào hoang mạc bằng giếng nước cổ truyền, giếng khoan sâu, kênh mương dần nước.
-Trồng cây gây rừng.
?Liên hệ tình trạng hoang mạc hóa ở Duyên hải Nam Trung Bộ nước ta.
Phương pháp đàm thoại sẽ phát huy được hiệu quả tối đa khi giáo viên biết kết hợp với phương pháp sử dụng các phương tiện trực quan.
3.2. Phương pháp sử dụng các phương tiện trực quan:
Trong dạy học Địa lí, việc sử dụng các phương tiện trực quan có một ý nghĩa lớn, bởi vì học sinh chỉ có thể quan sát được một số các vấn đề về môi trường nơi các em đang sống; còn phần lớn các vấn đề môi trường ở những nơi khác trên đất nước Việt Nam và trên Thế giới thì học sinh không có điều kiện quan sát trực tiếp, mà chỉ có thể nhận biết được trên cơ sở các phương tiện trực quan.
Phương tiện trực quan là những cái gì có thể lĩnh hội được bằng tri giác nhờ sự hỗ trợ của các tín hiệu ngoài lời giảng của giáo viên. Bản chất của phương pháp trực quan là cách thức (hệ thống các cách) sử dụng phương tiện trực quan để phát hiện, khai thác và lĩnh hội kiến thức.
Phương tiện trực quan trong dạy học Địa lí khá đa dạng, song loại phương tiện trực quan có nhiều khả năng giáo dục môi trường cho học sinh là các tranh ảnh, video… có nội dung về các vấn đề môi trường.
3.2.1. Phương pháp sử dụng tranh, ảnh Địa lí:
Việc sử dụng tranh ảnh có nội dung về môi trường giúp học sinh có thể dễ dàng nhận biết được những vấn đề của môi trường như hiện tượng ô nhiễm không khí, ô nhiễm nước, hiện tượng xói mòn đất ở những vùng đất trống, đồi trọc … Cùng với những bức tranh giáo khoa, trong khi dạy Địa lí, giáo viên nên sử dụng những ảnh minh họa có nội dung địa lí. Những ảnh minh họa đó được lựa chọn và và sắp xếp theo từng chủ đề.
Bản chất của phương pháp này là phương pháp hướng dẫn học sinh quan sát và phân tích tranh ảnh để lĩnh hội kiến thức. Khi hướng dẫn học sinh quan sát, trước hết giáo viên cần xác định mục đích, yêu cầu của việc quan sát tranh. Sau đó, yêu cầu học sinh nêu tên của bức tranh để xác định xem bức tranh đó thể hiện hiện tượng gì, vấn đề gì, ở đâu và mô tả hiện tượng. Cuối cùng gợi ý học sinh nêu nguyên nhân và hậu quả của hiện tượng.
Như vậy, khi sử dụng tranh ảnh, giáo viên cần chuẩn bị những câu hỏi dẫn dắt học sinh khai thác nội dung được thể hiện trên tranh, ảnh và những câu hỏi yêu cầu học sinh vận dụng những kiến thức đã học để giải thích các hiện tượng được thể hiện trên tranh ảnh, …
Ví dụ:
*Bài 17 : Ô nhiễm môi trường ở đới ôn hòa.
-Mục 1: Ô nhiễm không khí. Giáo viên yêu cầu học sinh:
Bước 1: Quan sát hình 16.3 trang 54,Hình 17.1và 17.2 trang 56.
Hình 16.3 (khói bụi tạo thành lớp sương mù bao phủ bầu trời).
Hình 17.1(khí thải ở một khu liên hợp hóa dầu).
Hình 17.2 (cây cối bị chết khô vì mưa axit)
Bước 2: Đọc tên và mô tả hiện tượng của từng bức tranh.
Bước 3: Nguyên nhân và hậu quả của các hiện tượng đó?
Học sinh trình bày, giáo viên chốt lại kiến thức:
Nguyên nhân:
- Khí thải, khói bụi của các nhà máy, xí nghiệp, phương tiện giao thông.
- Ý thức bảo vệ môi trường của con người còn hạn chế.
Hậu quả:
- Mưa axít: Ăn mòn công trình xây dựng, gây bệnh đường hô hấp, chết cây cối.
- Tăng hiệu ứng nhà kính, tạo lỗ thủng tầng ô dôn, làm choTrái Đất nóng lên, khí hậu toàn cầu biến đổi, băng ở 2 cực tan ra, mực nước đại dương dâng cao, … và còn gây nguy hiểm cho sức khỏe con người (ung thư da, hỏng mắt), …
Bước 4: Giải pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm bầu khí quyển?
Các nước trên thế giới kí nghị định thư Ki-ô-tô bảo vệ bầu khí quyển, cắt giảm lựơng khí thải gây ô nhiễm.
Nội dung khai thác kênh hình này sẽ hiệu quả hơn khi cho học sinh thảo luận nhóm.
Đặc biệt, để học sinh hiểu được nguyên nhân sâu sa của vấn đề ô nhiễm không khí và đưa ra các giải pháp cụ thể hơn, giáo viên có thể kết hợp với tích hợp các môn học khác như hóa học (hiện tượng mưa a xít), vật lí (hiệu ứng nhà kính, nhiệt độ tăng làm băng tan ở hai cực)…
Mục 2: Ô nhiễm nước.
-Bước 1: Giáo viên cho học sinh quan sát hình 17.3 và 17.4, kết hợp với sự hiểu biết của bản thân, nêu một số nguyên nhân dẫn đến ô nhiễm nước ở đới ôn hòa?
Đối với câu hỏi này, mức độ yêu cầu đối với học sinh đã cao hơn. Ngoài kĩ năng quan sát tranh ảnh, học sinh còn phải vận dụng sự hiểu biết của bản thân về vấn đề ô nhiễm môi trường nước từ thực tế ở xung quanh, qua đài, báo, internet…
Nguyên nhân:
Do váng dầu, hóa chất từ các nhà máy, lượng phân hóa học và thuốc trừ sâu dư thừa trên đồng ruộng, cùng các chất thải nông nghiệp, sinh hoạt đổ ra môi trường.
-Bước 2: Giáo viên tiếp tục hướng dẫn học sinh phân tích hậu quả của vấn đề ô nhiễm nguồn nước và đưa ra các giải pháp cụ thể.
Học sinh trình bày, giáo viên chốt lại kiến thức:
Hậu quả:
- Làm chết ngạt các sinh vật sống trong nước.
- Gây nên hiện tượng “thủy triều đen”, “thủy triều đỏ”.
- Thiếu nước sạch cho đời sống và sản xuất.
Giải pháp:
- Xử lí các loại chất thải trước khi đổ ra sông, hồ, biển.
-Bước 3: Cho học sinh liên hệ vấn đề ô nhiễm không khí và nguồn nước ở Việt Nam.
* Lưu ý: Việc lựa chọn tranh, ảnh cho học sinh quan sát trước hết phải phù hợp với nội dung và càng thể hiện được nhiều dấu hiệu, đặc điểm càng tốt.Về mặt hình thức, tranh ảnh phải rõ ràng, đẹp.
Trong dạy học Địa lí, giáo viên nên triệt để sử dụng những tranh ảnh minh họa trong sgk, bởi vì đây là những phương tiện minh họa đã được lựa chọn để thể hiện các hiện tượng một cách cụ thể, điển hình nhất.
3.2.2. Phương pháp sử dụng video:
Video là một loại phương tiện trực quan có nhiều ưu điểm trong việc cung cấp những thông tin về môi trường bằng hình ảnh, tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh khai thác kiến thức.
Khi sử dụng video, giáo viên có thể theo các bước sau:
Bước 1: Định hướng nhận thức. Bước này nhằm làm cho hs nắm được mục đích, yêu cầu và những vấn đề chính cần tìm hiểu.
Bước 2: Mở video cho hs xem từng đoạn, sau mỗi đoạn giáo viên đặt câu hỏi vừa để kiểm tra nhận thức của học sinh , vừa gợi ý để học sinh nêu lên những ý quan trọng nhất trong đoạn băng hình vừa xem.
Bước 3: Kết thúc. Khi hết băng, giáo viên yêu cầu học sinh nêu những ý chính đã nhận thức được qua đoạn phim đã xem. Cuối cùng giáo viên tóm tắt củng cố và khắc sâu những nội dung chính.
* Ví dụ:
Bài 3(Quần cư. Đô thị hóa) Dạy Mục 2: Đô thị hóa, các siêu đô thị.
Khi liên hệ đến tình trạng ô nhiễm môi trường các đô thị lớn ở Việt Nam, giáo viên đưa ra các video về tình trạng kẹt xe trong giờ cao điểm, video về tình trạng ngập lụt trong thành phố khi triều cường ,mưa lớn để học sinh thấy được tình trạng và hậu quả của vấn đề đô thị hóa quá nhanh…
3.3. Phương pháp thảo luận:
Bản chất của phương pháp thảo luận là giáo viên tổ chức cho học sinh thảo luận nhóm để giải quyết các vấn đề có liên quan đến nội dung bài học. Phương pháp thảo luận tạo cơ hội cho học sinh trình bày ý kiến, suy nghĩ của mình và lắng nghe ý kiến của bạn về một vấn đề nào đó.
Chủ đề thảo luận là những vấn đề về môi trường có liên quan đến nội dung bài học. Khi sử dụng phương pháp thảo luận gv cần xác định rõ ràng mục tiêu cần đạt được, sau đó nêu vấn đề hoặc câu hỏi thích hợp để học sinh thảo luận. Nên sử dụng các câu hỏi mở và sắp xếp theo một rình tự hợp lí. Đồng thời cũng phải chú ý đến việc bố trí chỗ ngồi cho phù hợp với hình thức thảo luận.
* Phương pháp thảo luận có thể được tiến hành như sau:
Bước 1: Giáo viên chia nhóm và sắp xếp chỗ ngồi cho học sinh.
Bước 2: Giáo viên nêu chủ đề và các câu hỏi thảo luận, hình thức thảo luận.
Bước 3: Học sinh thảo luận.
Bước 4: Đại diện các nhóm trình bày nội dung đã thảo luận của nhóm, các nhóm khác bổ sung ý kiến (nếu có)
Bước 5: Giáo viên tóm tắt các ý kiến thảo luận, chốt nội dung chính.
Ví dụ:
Bài 9. Hoạt động sản xuất nông nghiệp ở đới nóng
Mục 1. Đặc điểm sản xuất nông nghiệp. Giáo viên cho học sinh thảo luận về đặc điểm sản xuất nông nghiệp ở môi trường nhiệt đới và nhiệt đới gió mùa.
Bước 1: Giáo viên chia nhóm và sắp xếp chỗ ngồi cho học sinh.
Bước 2: Giáo viên nêu chủ đề và các câu hỏi thảo luận, hình thức thảo luận. Sử dụng phương pháp thảo luận “kĩ thuật khăn trải bàn”, 2 bàn một nhóm.
Câu hỏi thảo luận: Dựa vào SGK, kiến thức đã học và hiểu biết của bản thân, hãy cho biết:
+Môi trường nhiệt đới và nhiệt đới gió mùa có những thuận lợi và khó khăn gì đối với sản xuất nông nghiệp?
+ Những hậu quả của việc canh tác không hợp lí đối với môi trường và biện pháp khắc phục để bảo vệ đất trồng ở môi trường nhiệt đới và nhiệt đới gió mùa?
Bước 3: Học sinh thảo luận.
Bước 4: Đại diện các nhóm trình bày nội dung đã thảo luận của nhóm.
Bước 5: Giáo viên tóm tắt các ý kiến thảo luận, chốt nội dung chính.
Thuận lợi:
Khí hậu nóng quanh năm, mưa tập trung theo mùa, nên có thể chủ động bố trí mùa vụ và lựa chọn cây trồng vật nuôi phù hợp.
Khó khăn:
- Mưa tập trung một mùa làm tăng cường xói mòn đất, gây lũ lụt.
- Mùa khô kéo dài gây hạn hán Hoang mạc dễ phát triển.
- Thời tiết thất thường, nhiều thiên tai, bão gió.
Hậu quả của việc canh tác không hợp lí:
-Đẩy mạnh quá trình xói mòn, rửa trôi đất làm cho đất bị thoái hóa nhanh.
-Các thiên tai như lũ lụt, hạn hán…
-Tình trạng hoang mạc hóa đang mở rộng.
Biện pháp:
- Làm tốt thủy lợi, trồng cây che phủ đất.
- Đảm bảo tốt tính chất mùa vụ.
- Phòng chống thiên tai, dịch bệnh.
*Gv cho học sinh liên hệ: Việt Nam cũng thuộc môi trường nhiệt đới gió mùa, vậy sản xuất nông nghiệp cần phải chú ý những vấn đề gì để hạn chế thiên tai, bảo vệ môi trường.
3.4. Phương pháp dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề:
Bản chất của dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề là đặt ra trước học sinh các vấn đề nhận thức có chứa đựng mâu thuẫn giữa cái đã biết và chưa biết, chuyển học sinh vào tình huống có vấn đề, kích thích học sinh tự lực, chủ động, có nhu cầu và mong muốn giải quyết vấn đề.
Mấu chốt của phương pháp này là tạo ra các tình huống có vấn đề phù hợp với trình độ nhận thức của học sinh .
Phương pháp dạy học phát hiện và giải quyết vấn đề có thể được tiến hành như sau:
Bước 1: Đặt vấn đề ( tạo tình huống có vấn đề).
Bước 2: Giải quyết vấn đề ( Phân tích, đánh gia, giải quyết vấn đề).
Ví dụ:
*Khi dạy bài 6. Môi trường nhiệt đới. Mục 2. Các đặc điểm khác của môi trường.
- Bước 1: Giáo viên nêu vấn đề, tạo tình huống có vấn đề:
Tại sao diện tích xavan và nửa hoang mạc ở vùng nhiệt đới đang ngày càng mở rộng?
- Bước 2: Giải quyết vấn đề:
+Do lượng mưa ít.
+Con người phá rừng và cây bụi để lấy gỗ, củi hoặc làm nương rẫy…
*Bài 10/ mục 2. Sức ép của dân số tới tài nguyên, môi trường.
- Bước 1: Giáo viên nêu vấn đề, tạo tình huống có vấn đề:
Tại sao dân số tăng quá nhanh lại tác động xấu tới tài nguyên, môi trường?
- Bước 2: Giải quyết vấn đề:
Do nhu cầu về lương thực, thực phẩm và các điều kiện sống tăng nên:
+Phá rừng để lấy đất canh tác hoặc xây dựng nhà máy, lấy gỗ làm nhà hoặc xuất khẩu để nhập lương thực và hàng tiêu dùng…
+Tăng cường khai thác và xuất khẩu các loại nguyên liệu, nhiên liệu thô để đổi lương thực và hàng tiêu dùng đã làm nhiều loại khoáng sản nhanh chóng bị cạn kiệt…
3.5. Tổ chức các hoạt động ngoại khoá về giáo dục môi trường
Là phương pháp đặc trưng của bộ môn, rất có hiệu quả trong giáo dục. Phương pháp điều tra, khảo sát thực địa giúp học sinh kiểm nghiệm các kiến thức đã học trên lớp, phát triển kĩ năng quan sát, rèn luyện hành vi ứng xử phù hợp với môi trường . Từ đó có những suy nghĩ, nhận thức đúng đắn về vấn đề môi trường. Tùy theo điều kiện của nhà trường và trình độ của học sinh mà có các dự án vừa và nhỏ cho thật phù hợp.
Ngoài ra, giáo viên còn có thể thông qua các hoạt động thực tiễn dù nhỏ nhưng thiết thực như tham gia phong trào trồng cây ở xung quanh trường, thu gom rác, vệ sinh công ích ở địa phương, sân trường, lớp học, … . Đây là những hình thức và biện pháp tốt để tuyên truyền về việc sử dụng hợp lí tài nguyên và giáo dục ý thức bảo vệ môi trường một cách cụ thể nhất.
Giáo viên cũng có thể tổ chức các hoạt động ngoại khoá về giáo dục môi trường dưới nhiều hình thức khác nhau, phụ thuộc vào nội dung hoạt động và các điều kiện cần thiết khác như sự sẵn có của hiện trường thực hiện, các vật dụng cần thiết, điều kiện thời tiết, ... Giáo viên có thể lựa chọn các hình thức sau:
- Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về môi trường địa phương.
- Tổ chức các cuộc thi đố vui với chủ đề môi trường…
IV.ĐỊNH HƯỚNG TIẾT DẠY MINH HỌA:
Lí do chọn tiết dạy minh họa Bài 15:
Công nghiệp phát triển đã đem lại nhiều sản phẩm phục vụ con người, nhưng đồng thời có cũng đem đến sự cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và các chất thải gây ô nhiễm môi trường. Công nghiệp càng phát triển, sản phẩm thu được càng nhiều thì môi trường cũng ngày càng suy thoái nghiêm trọng... Chính vì vậy chúng tôi đã chọn tiết dạy minh họa này.
Bài 15 - Tiết 17: HOẠT ĐỘNG CÔNG NGHIỆP Ở ĐỚI ÔN HÒA
I. MỤC TIÊU BÀI HỌC: Sau bài học, học sinh cần:
1. Kiến thức: - Hiểu và trình bày được đặc điểm của ngành kinh tế công nghiệp ở đới ôn hòa.
2. Kĩ năng: - Quan sát ảnh và trình bày, nhận xét một số đặc điểm của hoạt động sản xuất công nghiệp ở đới ôn hòa.
3. Thái độ: - Có thái độ, ý thức về bảo vệ môi trường.
4.Định hướng phát triển năng lực:
-Năng lực chung: tự học, giải quyết vấn đề, sử dụng ngôn ngữ, sáng tạo, giao tiếp, hợp tác, tính toán.
-Năng lực riêng: Tư duy tổng hợp theo lãnh thổ.
II. CHUẨN BỊ CỦA GIÁO VIÊN VÀ HỌC SINH:
1. Chuẩn bị của giáo viên:
- Bản đồ công nghiệp thế giới, bản đồ công nghiệp Hoa Kì.
- Tranh ảnh về cảnh quan công nghiệp ở một số nước trong đới ôn hòa
- Tranh ảnh về hiện tượng ô nhiễm môi trường ở Việt Nam…
2. Chuẩn bị của học sinh:
Chuẩn bị bài theo nội dung giáo viên đã hướng dẫn.
III. TỔ CHỨC CÁC HOẠT ĐỘNG HỌC TẬP:
1. Ổn định lớp:
2. Bài cũ:
3. Tiến trình bài học:
a. Khởi động:
b.Bài mới
Hoạt động 1: Tìm hiểu nền công nghiệp hiện đại, đa dạng ở đới ôn hòa.
* Tiến hành: Nhóm (4 nhóm).
- Bước 1: Giáo viên chia nhóm và sắp xếp chỗ ngồi cho học sinh.
-Bước 2: Giáo viên nêu chủ đề và các câu hỏi thảo luận, hình thức thảo luận.
Hình thức thảo luận: các mảnh ghép.
+Học sinh 1: Cuộc cách mạng công nghiệp của các nước ở đới ôn hòa ra đời khi nào? Trình độ phát triển nền công nghiệp của các nước này ra sao?
+Học sinh 2: Cho biết cơ cấu của ngành công nghiệp ở đới ôn hòa?
+Học sinh 3: Kể tên một số ngành truyền thống và một số ngành công nghệ cao, hiện đại? Nguồn nguyên nhiên liệu cung cấp cho ngành chế biến được lấy từ đâu?
+Học sinh 4: Vai trò công nghiệp của đới ôn hòa đối với thế giới như thế nào? Kể tên các nước có nền công nghiệp hàng đầu của đới ôn hòa?
Bước 3: Học sinh thảo luận.
- Cá nhân: 3 phút
- Họp nhóm thống nhất: 2 phút
Bước 4: Đại diện các nhóm trình bày nội dung đã thảo luận của nhóm, các nhóm khác bổ sung ý kiến (nếu có)
Bước 5: Giáo viên tóm tắt các ý kiến thảo luận, chốt nội dung chính.
1. NỀN CÔNG NGHIỆP HIỆN ĐẠI, CÓ CƠ CẤU ĐA DẠNG:
- Ra đời: Sớm nhất (1760).
- Trình độ phát triển: Hiện đại: Với nhiều máy móc thiết bị tiên tiến.
- Cơ cấu: Gồm 2 ngành chính:
+ Khai thác: Phát triển ở những nơi tập trung nhiều khoáng sản, nhiều rừng.
+ Chế biến: Là thế mạnh nổi bật của nhiều nước và rất đa dạng, từ các ngành truyền thống đến các ngành công nghệ cao.
- Phần lớn các nguyên, nhiên liệu được nhập từ đới nóng.
- Vai trò: Quan trọng: Cung cấp 3/4 tổng sản phẩm công nghiệp thế giới.
- Những nước công nghiệp hàng đầu: HOA KÌ, NHẬT BẢN, ĐỨC, LB NGA, ANH, PHÁP, CANAĐA, …
*Tích hợp môi trường:
Giáo viên trình chiếu hình ảnh rừng bị tàn phá, tài nguyên bị khai thác cạn kiệt và liên hệ ở VN.
Hậu quả của việc xuất khẩu nguyên liệu ở các nước thuộc đới nóng trong đó có VN?
Để hạn chế tình trạng này chúng ta cần phải làm gì?
Hoạt động 2: Tìm hiểu các cảnh quan công nghiệp ở đới ôn hòa.
* Tiến hành: Cả lớp.
Gv trình chiếu hình ảnh.
- Cho hs đọc thuật ngữ: “Cảnh quan công nghiệp” trong phần tra cứu thuật ngữ sgk.
- GV giải thích thêm: Đây là môi trường nhân tạo được hình thành nên trong quá trình công nghiệp hóa, được đặc trưng bởi các công trình: Nhà cửa, nhà máy, bến bãi … đan xen với các tuyến đường bộ, sắt, thủy …
- GV yêu cầu học sinh : Hãy dựa vào hiểu biết của mình + H15.3 + kênh chữ trong sgk, cho biết:
+ Cảnh quan công nghiệp ở đới ôn hòa phát triển như thế nào? Biểu hiện ra sao?
+ Khu công nghiệp được hình thành như thế nào? Lợi ích của việc hình thành khu công nghiệp?
+ Trung tâm công nghiệp được hình thành như thế nào? Có đặc điểm gì?
+ Vùng công nghiệp được hình thành như thế nào? Kể tên những vùng công nghiệp nổi tiếng trên thế giới?
Gv trình chiếu hình ảnh khu công nghiệp công nghiệp , trung tâm công nghiệp, vùng công nghiệp để học sinh phân biệt
-Liên hệ: Ở Bảo Lộc có khu công nghiệp nào?
*Tích hợp môi trường:
- Gv trình chiếu về sự phân bố chủ yếu của các vùng công nghiệp , các trung tâm công nghiệp ở đới ôn hòa.
Hậu quả của sự tập trung và phát triển các khu công nghiệp , trung tâm công nghiệp, vùng công nghiệp ở đới ôn hòa?
- Gv trình chiếu một số hậu quả của việc ô nhiễm môi trường.
- Quan sát H15.1 và 15.2. Học sinh đọc tiêu đề và mô tả cảnh quan của từng khu công nghiệp?
Hình 15.1: Một khu công nghiệp hóa dầu với các nhà máy khác nhau nằm san sát bên nhau với các đường cao tốc có giao lộ nhiều tầng để vận chuyển nguyên liệu, hàng hóa.
Hình 15.2: một cơ sở công nghiệpcông nghệ cao kiểu mới ở Tây Âu với thảm cỏ và cây xanhbao quanh.
Nếu em là tổng giám đốc một khu công nghiệp “có tâm”, em sẽ chọn xây dựng khu công nghiệp theo mô hình nào? Tại sao?
Giáo viên giải thích khi học sinh có cách chọn khác nhau:
-Hình 15.1: tập trung quá nhiều nhà máy, lượng chất thải cao gây ô nhiễm môi trường, nhưng lại tiết kiệm được chi phí vận chuyển …
-Hình 15.2: Trong cơ sở công nghiệp (qui mô nhỏ hơn khu công nghiệp) trồng rất nhiều cây xanh giảm ô nhiễm môi trường, tốn thêm chi phí vận chuyển vì các cơ sở công nghiệp ở xa nhau và xa trung tâm thành phố… nhưng đây là mô hình phát triển công nghiệp một cách bền vững…
-Liên hệ vấn đề ô nhiễm môi trườngcác khu công nghiệp ở Việt Nam…
Giáo viên chốt nội dung chính:
2. CẢNH QUAN CÔNG NGHIỆP:
- Phổ biến ở khắp mọi nơi trong đới ôn hòa, được biểu hiện ở các khu công nghiệp, trung tâm công nghiệp và vùng công nghiệp.
- Cảnh quan công nghiệp là niềm tự hào của các quốc gia trong đới ôn hòa.
- Các trung tâm công nghiệp, các vùng công nghiệp tập trung chủ yếu ở ven biển.
- Là nơi tập trung nhiều nguồn gây ô nhiễm môi trường.
Cần có biện pháp bảo vệ môi trường, xây dựng các khu công nghiệp xanh kiểu mới.
IV. TỔNG KẾT VÀ HƯỚNG DẪN HỌC TẬP:
1.TỔNG KẾT:
Tích hợp môi trường: Học sinh quan sát Hình 15.4 và 15.5
Phân tích để thấy sự hợp lí trong việc bố trí các khu dân cư ở cảng
Đuy-xbua trên sông Rai-nơ (Đức)
Chú ý các mũi tên chỉ hướng gió và hướng dòng chảy.
2. HƯỚNG DẪN HỌC TẬP:
C. KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ
I. KẾT LUẬN:
Trong xã hội hiện đại, cùng với quá trình phát triển kinh tế, xã hội là các vấn đề về môi trường và vấn đề gia tăng dân số, các vấn đề này xuất hiện song song với sự phát triển của khoa học kĩ thuật và của quá trình công nghiệp hóa hiện đại hóa. Việc xây dựng môi trường bền vững đòi hỏi con người phải có nhận thức về mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên. Đó là mối quan hệ hài hòa tôn trọng và bảo vệ thiên nhiên, trái với lối sống lạc hậu sử dụng tài nguyên bừa bãi dẫn tới suy thoái môi trường.
Vấn đề dân số cần tránh hậu quả của sự bùng nổ dân số.
Như vậy các vấn đề trên đòi hỏi phải giải quyết đồng bộ, hài hòa. Sự phát triển dân số hợp lí đi đôi với môi trường ổn định, tìm ra các giải pháp hợp lí.
Việc giáo dục tích hợp giáo dục môi trường cho học sinh là vấn đề cần thiết trong giảng dạy không chỉ với môn Địa lí mà còn tích hợp ở nhiều môn học khác. Nhưng việc tích hợp cũng tránh gượng ép, quá tải, nhàm chán đối với học sinh.
II. KIẾN NGHỊ:
Để việc tích hợp giáo dục môi trường cho học sinh được tốt hơn, chúng tôi có một số kiến nghị sau:
Nhà trường có thể lắp đặt các thùng rác tái chế được và không tái chế được tại các vị trí trong sân trường, mục đích giáo dục học sinh biết phân loại rác. Thùng rác tái chế được giao cho Đội TNTP quản lí để làm kế hoạch nhỏ.
Đối với Đội TNTP, cũng cần đưa tiêu chí bảo vệ môi trường vào đánh giá và xếp loại thi đua. Cần rèn cho học ý thức tự giác bỏ rác đúng nơi qui định, tiết kiệm điện, nước...
Trên đây là một vài kinh nghiệm của tổ Sử - Địa. Chuyên đề chắc chắn còn nhiều thiếu sót, vậy nên rất mong được sự góp ý chân thành của Ban giám hiệu, quý thầy cô trong trường để chuyên đề được hoàn thiện hơn nữa.