Đề tài: RÈN LUYỆN KỸ NĂNG TỰ TIN TRONG GIAO TIẾP CHO HỌC SINH TRUNG HỌC CƠ SỞ
I. Mục tiêu:
1. Lý do chọn đề tài:
Lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam cũng chính là lịch sử hình thành, gìn giữ và phát triển văn hóa ứng xử giao tiếp "hào hoa, thanh lịch" của người Việt. Nó đã được nâng niu, trân trọng và trao truyền từ đời này sang đời khác. Ngày nay, trong thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, phát triển như vũ bão, có vô vàn các thiết bị, phương tiện nghe nhìn hiện đại ra đời nhưng nó cũng không thể thay thế được ngôn ngữ giao tiếp, ứng xử. Giao tiếp vẫn là một kỹ năng cơ bản, quan trọng ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống và công việc của chúng ta. Và tự tin trong giao tiếp giúp chúng ta gửi gắm những tâm tư tình cảm vào trong từng câu nói, truyền đạt những thông tin đến người đối diện. Vì thế, việc rèn luyện sự tự tin trong thái độ sẽ khiến cuộc trò chuyện diễn ra vui vẻ, đạt được mục đích giao tiếp và để lại ấn tượng tốt đẹp về nhau.
Sẽ thật bất lợi nếu học sinh thiếu tự tin trong việc truyền tải nội dung, ý kiến của bản thân. Bên cạnh kiến thức được truyền dạy ở trường, ở lớp hay qua việc tự rèn luyện thì học sinh nên rèn luyện và nâng cao cho mình kỹ năng tự tin trong giao tiếp. Với mong muốn, giúp các bạn học sinh trung học cơ sở (viết tắt THCS) phát triển toàn diện khắc phục những hạn chế, khó khăn trong giao tiếp để có thể vươn xa trên con đường học vấn, có thêm nhiều lợi thế trong giao tiếp xã hội, giúp các bạn tự tin khẳng định mình và đạt được nhiều thành công trong tương lai. Xuất phát từ những lý do đó, nhóm nghiên cứu của chúng em đã chọn đề tài: “Rèn luyện kỹ năng tự tin trong giao tiếp cho học sinh THCS”.
2. Mục tiêu nghiên cứu: Đề tài được thực hiện nhằm hướng tới các mục tiêu như sau:
- Xác định các nhân tố tác động đến sự thiếu tự tin trong giao tiếp của các bạn học sinh THCS.
- Đánh giá thực trạng và hậu quả của vấn đề thiếu tự tin trong giao tiếp của các bạn học sinh THCS.
- Đưa ra các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu tự tin trong giao tiếp, hướng đến việc rèn luyện sự tự tin trong giao tiếp cho các bạn học sinh THCS.
3. Đối tượng, phạm vi và phương pháp nghiên cứu:
- Đối tượng nghiên cứu: Các bạn học sinh cấp THCS.
- Phạm vi: Thực trạng việc giao tiếp của học sinh tại Trường THCS Nguyễn Minh Nhựt và giải pháp khắc phục.
- Phương pháp: Để đạt được những kết quả như mong muốn, chúng em đã cùng lúc vận dụng, kết hợp nhiều phương pháp nghiên cứu như: Phương pháp quan sát; Phương pháp tìm hiểu; Phương pháp trò chuyện; Phương pháp điều tra (Câu hỏi tình huống, yêu cầu tạo lập văn bản, tái hiện hoặc xây dựng cuộc thoại…); Phương pháp tổng hợp; Phương pháp đánh giá; Phương pháp kết luận,...
II. Nội dung nghiên cứu:
1. Một số vấn đề lý luận về sự tự tin trong giao tiếp:
“Tự” là việc chính bản thân mình thực hiện một hành động nào đó. Ví dụ: Tự làm, tự học, tự ăn…
“Tin” chính là niềm tin, sự tin tưởng vào sự vật hay sự việc. Con người dựa trên những tiêu chí đánh giá, hoặc cơ sở nhận thức cụ thể nào đó.
Tự tin là tin tưởng vào khả năng của bản thân, chủ động trong mọi việc, dám tự quyết định và hành động một cách chắc chắn, không hoang mang, dao động. Tự tin bằng cương quyết, dám nghĩ, dám làm. Đối lập với tự tin là tự ti, mặc cảm. Ví dụ: Tự tin thuyết trình trước đám đông, tư tin giao tiếp với người nước ngoài bằng Tiếng Anh. [Theo sách giáo khoa giáo dục công dân lớp 7 – NXB giáo dục Việt Nam, bài 11: Tự tin, trang 34]
Giao tiếp là hành động truyền tải ý đồ, ý tứ của một chủ thể (có thể là một cá thể hay một nhóm) tới một chủ thể khác thông qua việc sử dụng các dấu hiệu, biểu tượng và các quy tắc giao tiếp mà cả hai bên cùng hiểu. Phương tiện giao tiếp gồm hai nhóm: ngôn ngữ và phi ngôn ngữ. [Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia]
Vậy thế nào là kỹ năng tự tin trong giao tiếp? Kỹ năng tự tin trong giao tiếp là tập hợp những quy tắc, cách ứng xử được đúc kết bằng những kinh nghiệm trong quá trình giao tiếp hàng ngày. Kỹ năng này bao gồm khả năng truyền đạt thông điệp, lắng nghe tích cực - chủ động, cho và nhận phản hồi thông tin giữa các đối tượng giao tiếp nhằm đạt được mục đích giao tiếp cụ thể.
2. Thực trạng và nguyên nhân vấn đề:
2.1. Thực trạng:
Có thể thấy, kỹ năng giao tiếp của học sinh, sinh viên hiện nay đang còn rất nhiều hạn chế. Theo thống kê từ Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, có tới 83% sinh viên tốt nghiệp thiếu kỹ năng mềm, 37% không thể tìm được việc làm phù hợp do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có nguyên nhân thiếu sự tự tin. Hiện nay, có rất nhiều hồ sơ xin việc được nộp đi nhưng không nhận được phản hồi do không đạt yêu cầu. Bởi học sinh, sinh viên hiện nay đang gặp phải các vấn đề về kỹ năng giao tiếp như: không biết cách giao tiếp; tâm lý e ngại, thụ động; không tự chủ trong giao tiếp; không dành thời gian rèn luyện…
Khi thực hiện đề tài: “Rèn luyện kĩ năng tự tin trong giao tiếp cho học sinh THCS” chúng em đã tiến hành phát phiếu khảo sát ngẫu nhiên cho 150 học sinh ở các khối lớp 6, 7, 8, 9 của Trường THCS Nguyễn Minh Nhựt. Nội dung phiếu điều tra tập trung khảo sát một số câu hỏi như:
Phiếu khảo sát
STT Câu hỏi:
Các bạn hãy thử xem mình đang có những dấu hiệu nào ngay sau đây nhé? Thống kê
Số lượng Tỉ lệ %
Câu 1 Không muốn kể hay chia sẻ với bạn bè, người thân hoặc thầy cô những suy nghĩ, những khó khăn gặp phải. 123 HS 82%
Câu 2 Hay buồn bã khi nghe về thành công của người khác 50 HS 33%
Câu 3 Ngại xuất hiện chỗ đông người, ít khi thay gia hoạt động ngoại khóa cùng các bạn 86 HS 57%
Câu 4 Luôn bối rối nếu như bị ai đó tập trung vào mình 95 HS 63%
Câu 5 Không tìm ra ngôn từ để thể hiện quan điểm, ý kiến của mình 149 HS 99%
Câu 6 Ít khi trình bày quan điểm hay tham gia phát biểu xây dựng bài 132 HS 88%
Qua kết quả khảo sát cho thấy:
+ Câu hỏi 5 - Không tìm ra ngôn từ để thể hiện quan điểm: có 149 học sinh chọn đáp này, chiếm tỉ lệ cao nhất là 99%.
+ Câu hỏi 6 - Ít khi trình bày quan điểm hay tham gia phát biểu xây dựng bài: có 132 học sinh chọn đáp án này, chiếm tỉ lệ 88% cao thứ hai trong kết quả khảo sát.
+ Câu hỏi 1 - Không muốn kể hay chia sẻ với bạn bè, người thân hoặc thầy cô những suy nghĩ, những khó khăn gặp phải: có 123 học sinh chọn, chiếm vị trí cao thứ ba trong kết quả khảo sát chiếm 82%.
Ảnh nhóm nghiên cứu thực hiện
phát Phiếu khảo sát cho các bạn HS ở khu vực Vườn xanh của Trường.
Và dù các bạn học sinh có chọn đáp án nào thì đó cũng đều là những dấu hiệu của người thiếu tự tin trong giao tiếp. Và về cơ bản, nó cũng thường xuất hiện ở một người thiếu tự tin nói chung. Người thiếu tự tin là người tự ti ngại giao tiếp, không thích gặp gỡ người lạ. Để giải quyết vấn đề này, chúng ta sẽ cùng nhau xem xét nguyên nhân do đâu mà các bạn lại thiếu tự tin trong giao tiếp như vậy?
Không chỉ dừng lại ở việc khảo sát học sinh, nhóm nghiên cứu còn lấy ý kiến khảo sát đối với các thầy, cô giáo đang trực tiếp giảng dạy ở Trường của chúng em: 60/60 thầy cô cho rằng khi giao tiếp trên lớp với học sinh của mình nhận thấy: Các bạn còn rụt rè, quá trình giao tiếp ánh mắt luôn không hướng về người đang đối diện với mình mà thường quay sang hướng khác. Trong giao tiếp chưa có sự phối hợp nhịp nhàng giữa ngôn ngữ nói và những hành động phi ngôn ngữ (cử chỉ, tư thế giao tiếp) dẫn đến chưa phù hợp với hoàn cảnh, môi trường giao tiếp. Vì sự không ăn khớp giữa lời nói và cử chỉ hành động nên các em trở thành người rụt rè, ngại giao tiếp, luôn có thái độ lẫn tránh thầy cô, câu trả lời phản hồi đối với thầy cô luôn thiếu sự tự tin, cởi mở.
Ảnh nhóm nghiên cứu phát Phiếu khảo sát tại các lớp khối 9 của Trường Ảnh nhóm nghiên cứu phát Phiếu khảo sát tại các lớp khối 7 của Trường
2.2. Nguyên nhân:
2.2.1. Nguyên nhân khách quan:
Một nhìn nhận khách quan mà không thể không nói tới, làm ảnh hưởng đến sự thiếu tự tin của các bạn là do bài dạy từ thầy cô chưa thu hút được học sinh. Do yêu cầu của bài học nên một số thầy cô tập trung cung cấp kiến thức mà ít quan tâm rèn luyện kỹ năng cho học sinh, nhất là kỹ năng ứng xử, giao tiếp với xã hội, ứng phó và hòa nhập với cuộc sống.
Nguyên nhân tiếp theo, có thể xuất phát môi trường gia đình. Khi còn nhỏ các bạn chịu sự giáo dục quá nghiêm khắc, độc đoán, khiến các bạn không có cơ hội để bày tỏ ý muốn, tình cảm, quan điểm mà chỉ biết im lặng lắng nghe một chiều, lâu ngày trở thành thói quen và trở nên thụ động trước mọi người. Cũng có thể bị ảnh hưởng tâm lý từ gia đình như thiếu vắng sự quan tâm chăm sóc, cảm thấy không được tôn trọng, bị ngược đãi ở tuổi thơ và phải sống cô đơn từ thuở nhỏ. Những tác động đó tạo nên cảm giác đau khổ, sợ hãi, e dè. Mặt khác, phụ huynh thiếu sự quan tâm giáo dục hay châm bồi về giao tiếp. Theo Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng Nguyễn Trọng An thì đối với việc giáo dục nhân cách cho giới trẻ, điều quan trọng nhất bắt đầu từ nền tảng đạo đức gia đình. Vì vậy môi trường gia đình có ảnh hưởng không nhỏ đến sự tự tin của con cái trong giao tiếp.
Một nguyên nhân khách quan khác cũng tác động không nhỏ đến việc hình thành tự tin giao tiếp của các bạn đó là sự phát triển bùng nổ của các phương tiện thông tin nghe nhìn như zalo, facebook, youtube,... Với lợi thế truyền thông nhanh, dễ truy cập, tiện dụng, hình ảnh đa dạng, sắc nét đã cuốn hút các bạn sử dụng chúng ngày càng nhiều với tần suất ngày càng cao. Nó khiến các bạn dành nhiều thời gian cho đời sống ảo hơn đời sống thực. Các bạn cảm thấy không muốn ra ngoài, gặp gỡ, làm quen, trò chuyện, giao tiếp với những người khác. Các bạn bị một thói quen và cứ mãi ở trong vỏ bọc an toàn của bản thân mà không có động lực vượt qua nó. Từ đó dẫn đến những hành vi lệch chuẩn, thiếu tự tin trong giao tiếp sau một thời gian tiếp cận nó.
2.2.2. Nguyên nhân chủ quan: Xuất phát từ chính bản thân các bạn học sinh.
Có thể nói, nguyên nhân số một dẫn đến việc các bạn giao tiếp kém là thiếu kiến thức và hiểu biết. Chẳng hạn, trong một giờ học Ngữ Văn 9 khi tìm hiểu văn bản "Đấu tranh cho một thế giới hòa bình" của Mác-két, thầy cô giáo nêu câu hỏi: "Vì sao có thể nói: Chiến tranh hạt nhân "không những đi ngược lại lí trí con người mà còn đi ngược lại cả lí trí tự nhiên nữa"? Em có suy nghĩ gì trước lời cảnh báo của nhà văn Mác-két về nguy cơ huỷ diệt sự sống và nền văn minh trên trái đất một khi chiến tranh hạt nhân nổ ra?" đa số các bạn học sinh không thể trả lời một cách hoàn chỉnh vấn đề, đa phần do các bạn chưa chuẩn bị, chưa có kiến thức thế nào là "chiến tranh hạt nhân" khiến các bạn e dè, ngại bày tỏ quan điểm, tâm lí sợ sai…
Đồng thời, khả năng hiểu và sử dụng ngôn ngữ giao tiếp còn nhiều hạn chế, điển hình như chưa hiểu hết nghĩa của từ ngữ, vốn từ vựng ít ỏi dẫn đến gặp khó khăn khi vận dụng nó vào lời nói của mình. Ví dụ: Trong giờ giảng Ngữ Văn lớp 9, khi phân tích tâm lí nhân vật ông Hai khi nghe tin làng theo giặc trong tác phẩm "Làng" của Kim Lân, khi giáo viên hỏi, các bạn chỉ biết sử dụng mỗi từ "buồn" để nói về tâm trạng của nhân vật. Bên cạnh đó các bạn cũng chưa biết cách sử dụng linh hoạt: ngữ điệu, nhịp điệu, âm điệu… khiến cho cuộc giao tiếp đôi khi thiếu sự tế nhị, lịch sự.
Chúng ta không thể phủ định được, ngoài ngôn ngữ ra thì chúng ta còn có rất nhiều phương tiện khác để giao tiếp, ví dụ như sử dụng cử chỉ, hình thể, tín hiệu biểu cảm, ánh mắt, nụ cười, hành vi... tất cả những điều này người ta gọi nó là giao tiếp phi ngôn ngữ. Tuy nhiên, thực tế ở các bạn học sinh lại bị hạn chế trong việc sử dụng các phương tiện phi ngôn ngữ trong giao tiếp. Theo các nhà khoa học, trong quá trình giao tiếp, lời nói gồm 3 yếu tố chính là ngôn ngữ, cường độ giọng nói và phi ngôn ngữ. Trong đó, ngôn ngữ góp phần nhỏ nhất với 7,01% tác động đến người nghe, 37,98% là cường điệu giọng nói và phi ngôn ngữ trở nên quan trọng nhất với 55,01%. Chức năng của giao tiếp phi ngôn ngữ là giúp cho thông điệp được truyền tải nhanh chóng, dễ dàng, giúp người tham gia giao tiếp hiểu rõ hơn về cảm xúc của người đối diện nhằm đạt được mục đích giao tiếp.
Ngoài nguyên nhân vừa nêu ở trên, do học sinh chưa đủ tự tin về năng lực của bản thân nên ngại phát biểu. Nhưng một số khác lại do lười biếng, không chuẩn bị bài trước khi đến lớp; một số bạn mặc dù biết nhưng sợ, lo nghĩ về việc trả lời sai thì ngại, xấu hổ với thầy cô, với bạn bè, nhất là bạn khác giới. Đây là vấn đề được rất nhiều các thầy cô đồng tình khi chúng em đem ra trao đổi.
3. Hậu quả:
Kỹ năng giao tiếp ngày càng hạn chế: Học sinh tự cô lập, bị tách biệt, không có bạn bè là những hậu quả đến sớm nhất với người giao tiếp kém, lúc nào cũng e dè, sợ hãi, cho rằng mình nói không hay, không thuyết phục được người khác,... Do đó, một số bạn trở nên lầm lũi, sống co cụm, tách biệt với tập thể, không nhận được sự chia sẻ từ phía bạn bè. Lâu ngày có thể khiến các bạn trở nên tự kỉ, xa lánh mọi người, ảnh hưởng không nhỏ đến việc phát triển bản thân, sống hòa hợp với người thân, bạn bè.
Kết quả học tập suy giảm: Một thực tế khác nữa, đó là sự im lặng của nhiều học sinh trong lớp học kéo dài đã dần trở thành căn “bệnh” lây lan cả lớp. Thực tế khi đem câu chuyện về hiện tượng học sinh lười phát biểu, bạn Nguyễn Thị H học sinh lớp 9A2 của Trường chúng em đã thẳng thắn chia sẻ: “Cả lớp đều ít và lười phát biểu thì tại sao mình lại phải phát biểu nên nhiều khi biết câu trả lời cũng ngại giơ tay; thậm chí, giơ tay xây dựng, phát biểu nhiều còn bị một số bạn bè cho rằng mình chơi trội. Điều này dẫn đến sự mất tập trung, mất hứng thú, tạo cảm giác chán nản, lười học, không còn phát huy được tính tích cực, năng động của bản thân, dần hình thành nên tâm lí thụ động.
Gây khó khăn, cản trở việc truyền đạt kiến thức của thầy cô: Học sinh chưa hiểu hết tác dụng của việc phát biểu xây dựng bài, sự tự tin giao tiếp trong giờ học. Đây là vấn đề đã và đang diễn ra không chỉ ở cấp tiểu học, những cấp học lớn hơn như THCS, TPHT và kể cả đại học quả thật là một vấn đề nan giải đối với các thầy cô. Nhiều khi việc chuẩn bị bài giảng rất chu đáo, nhưng học sinh không lắng nghe,… thật sự là một cảm giác không vui chút nào! Qua trao đổi cùng các thầy cô giáo ở Trường, chúng em được lắng nghe những trăn trở của các thầy, các cô đó là về việc chán nản trước hiện tượng lớp học này, lớp học kia lười phát biểu, xây dựng bài những tình huống như vậy thường gây tâm lí ức chế cho thầy cô rất nhiều, thậm chí chán nản, không tha thiết với công việc của mình.
4. Giải pháp:
Để: “Rèn luyện kĩ năng tự tin trong giao tiếp cho học sinh THCS” chúng em xin đưa ra một số giải pháp sau:
4.1. Giải pháp dành cho học sinh: Một số cách để giúp các bạn rèn luyện và tự tin hơn trong giao tiếp đó là:
* Rèn luyện một số kỹ năng diễn đạt bằng lời:
+ Cần trang bị cho bản thân kiến thức: Lênin đã khuyên nhủ con người: “Học, học nữa, học mãi”. Cuộc đời của mỗi người là hành trình học hỏi không ngừng nghỉ. Chỉ có học hỏi thêm những kiến thức mới giúp cho con người mở mang vốn hiểu biết, trở thành một người có trình độ. Một khi ta có kiến thức thì khi trình bày bất kể một vấn đề nào chúng ta cũng có thể tự tin hơn khi giao tiếp. Vì sao các thầy cô thường yêu cầu học sinh phải soạn bài trước khi tới lớp? Chúng em cho rằng đây là một việc làm đúng và luôn có tác dụng tích cực. Bởi các bạn có xem trước bài, có tập trả lời các câu hỏi trong bài mới sẽ giúp các bạn tiếp thu bài một cách hiệu quả hơn. Khi thầy cô đặt các câu hỏi bạn sẽ dễ dàng tư duy nhanh và mạng dạn, tự tin khi phát biểu.
+ Có ý thức trau dồi vốn từ và lời nói: Vốn từ linh hoạt cho các bạn khả năng phân biệt sự vật, sự việc tốt hơn và khiến các bạn có thể nói chính xác suy nghĩ của mình và trở nên rõ ràng thay vì mơ hồ, mông lung khi chia sẻ suy nghĩ, ý kiến hoặc chỉ đơn giản là khi trò chuyện. Vậy chúng ta phải trao đồi vốn từ như thế nào? Trước tiên, đọc là điều tốt nhất bạn có thể làm để gia tăng vốn từ (tất nhiên nó còn mang đến rất nhiều lợi ích khác nữa). Tiếp theo là các bạn cũng có thể học được từ vựng mới từ những người bạn nói chuyện hay lắng nghe. Nghe đóng vai trò quan trọng trong kĩ năng sử dụng tiếng Việt. Nếu nghe tốt chúng ta sẽ xử lý thông tin tốt và thu nhận thêm cho mình vốn từ. Lưu ý thêm: nên biết cách lựa chọn sách để đọc và đối tượng để lắng nghe như thầy cô, phát thanh viên truyền hình…để chúng ta có thể học hỏi những điều tích cực và đạt kết quả tốt.
+ Kiểm soát biên độ, cường độ, trường độ khi giao tiếp: Tục ngữ có câu: “Chim khôn kêu tiếng rảnh rang. Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe”. Các bạn có biết chỉ với một câu nhưng bạn có thể diễn đạt với hàng chục ý nghĩa khác nhau. Đó là nhờ vào việc thay đổi giọng điệu. Giọng điệu lôi cuốn sẽ hấp dẫn người nghe vào cuộc trò chuyện. Giọng điệu còn thể hiện sự tự tin, thái độ, tình cảm của bạn với đối phương. Việc đầu tiên các bạn hãy nên rèn luyện cách phát âm rõ ràng. Nhấn nhá từ ngữ hợp lí sẽ khiến người nghe nắm được trọng tâm nội dung câu chuyện, việc nhấn nhá còn tạo ra một sắc thái rất riêng những từ được nhấn sẽ thu hút sự chú ý gấp 3 lần so với bình thường. Tiếp theo là giọng nói trầm ấm – âm vực thấp là biểu thị cho sự đáng tin cậy. Các bạn sẽ chẳng thể nào giao tiếp với ai nếu nói lí nhí chẳng ai nghe rõ và cũng chẳng thuyết phục ai nếu nói quá to, như “đấm” vào tai họ. Âm lượng thấp khiến đối phương dễ bị nhầm lẫn và hiểu sai ý bạn. Âm lượng cao lại khiến đối phương cảm giác như bị tra tấn. Một âm lượng vừa đủ, hơi dài sẽ khiến cuộc trò chuyện trở nên thú vị hơn. Bên cạnh việc nói chậm hơn thì việc ngắt giọng phù hợp sẽ giúp người nghe chú ý đến những điểm quan trọng trong giao tiếp, tăng khả năng tiếp thu và mang lại kết quả cao cho cuộc hội thoại, giao tiếp. Hơn nữa, ngắt nghỉ đúng lúc sẽ giúp các bạn có thời gian phát triển thông tin cho cuộc đối thoại, từ đó làm gia tăng sự tự tin trong giao tiếp.
* Rèn luyện một số kỹ năng phi ngôn ngữ trong giao tiếp:
+ Cải thiện phong thái, ngôn ngữ cơ thể: Ánh mắt phải luôn hướng về người đang giao tiếp đừng quay sang hướng khác khi người khác đang nói, vì “đôi mắt là cửa sổ của tâm hồn”, vậy nên trong giao tiếp với người khác trong một cuộc thoại các bạn cần phối hợp nhịp nhàng giữa ngôn ngữ nói và những hành động phi ngôn ngữ (cử chỉ, tư thế giao tiếp) phù hợp với hoàn cảnh, môi trường giao tiếp. Vì sự không ăn khớp giữa lời nói và cử chỉ hành động sẽ khiến cho các bạn trở thành người giả dối. Vậy nên, lời nói và những hành động phi ngôn ngữ, đặc biệt là ánh mắt đã trở thành một trong những yêu cầu cơ bản để hỗ trợ kĩ năng nghe tốt hơn, vừa đảm bảo tính lịch sự, tính liền mạch, tính hợp tác… trong giao tiếp. Ví dụ: Trong quá trình tiếp nhận kiến thức từ thầy cô, học sinh cần biết chú ý lắng nghe giảng bài, nghe các bạn phát biểu,… để thu nhận, phân tích, đánh giá thông tin, từ đó bày tỏ ý kiến tán thành hay phản đối của mình trong nội dung bài học đó (để xây dựng bài học). Để tập trung lắng nghe thì mắt phải nhìn lên bảng, tư thế ngồi phải ngay ngắn. Và tránh tranh (cướp) lời của người khác trong giao tiếp. Bởi một quy luật bất thành văn trong giao tiếp đã hình thành để giao tiếp hiệu quả thì cần phải biết lắng nghe và thấu hiểu.
+ Sử dụng tay khi giao tiếp: Tay là ngôn ngữ cơ thể được sử dụng trong giao tiếp với vai trò làm tăng sức mạnh cho lời nói. Nên để tay trong khoảng từ thắt lưng tới dưới cằm ta sẽ vung thoải mái nhất, thuận lợi nhất trong giao tiếp và trông cũng tự nhiên nhất. Khi vung tay, luôn nhớ rằng vung "trong ra, dưới lên" – có nghĩa là đưa tay hướng từ trong ra ngoài, và hướng từ dưới lên, lòng bàn tay ngửa bày tỏ sự mong đợi, thu thập ý kiến, các ngón tay khép bày tỏ sự nghiêm túc. Rèn luyện sự kiểm soát tay phù hợp với những câu nói, với đối tượng giao tiếp là bạn bè hay thầy cô hoặc cha mẹ và hoàn cảnh giao tiếp là ở nhà hay ở trường sẽ giúp bạn tự tin trong giao tiếp. Tránh "khua tay múa chân" liên tục sẽ gây khó chịu cho người đối diện. Một điều lưu ý là các bạn nên xem xét đến đối tượng và hoàn cảnh giao tiếp để sử dụng tay phù hợp khi giao tiếp.
+ Tham gia thật nhiều cuộc giao tiếp: Để học cách tự tin trong giao tiếp các bạn nên tự rèn luyện tự nói chuyện trước gương, tham gia thật nhiều vào những cuộc nói chuyện, hoạt động ngoại khóa...thường xuyên sẽ giúp bạn nâng cao được tự tin trong giao tiếp. Tìm kiếm cơ hội để giao tiếp với người khác, có thể xây dựng thêm mối quan hệ bạn bè hoặc trò chuyện với một người quen đã lâu không gặp lại sẽ giúp bạn cải thiện nhanh nhất sự tự tin.
4.2. Giải pháp dành cho cha mẹ học sinh
Tâm sự với con thật nhiều - Cách giúp con mạnh dạn trong giao tiếp: Cha mẹ không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc lắng nghe, đồng cảm với những sở thích, tâm tư của con mà cha mẹ còn là một hình mẫu chuẩn mực cho con cái noi gương, học tập. Tuy nhiên một thực tế ngày nay, đó là các bậc cha mẹ quen sống trong một thế giới bận rộn, nhiều nỗi lo "cơm, áo, gạo, tiền" mọi giao tiếp điều diễn ra nhanh chóng, ngắn gọn, hoặc thậm chí không có thời gian lắng nghe con cái. Bởi vậy cha mẹ chú ý hãy sống chậm lại, khi về nhà nên dành thời gian quan tâm đến con cái của mình. Những cuộc trò chuyện thường xuyên với cha mẹ là cách giúp các bạn học sinh tự tin hơn trong giao tiếp.
Để con mạnh dạn nói lên chính kiến của mình: Để giúp con em mình tự tin hơn trong giao tiếp, xin các bậc cha mẹ hãy để con cái nói lên chính kiến của mình về một vấn đề trong quan hệ gia đình, trong nhận thức xã hội để hình thành tư duy tranh biện. Tránh việc giáo dục quá nghiêm khắc, độc đoán, khiến các bạn không có cơ hội để bày tỏ ý muốn, tình cảm, quan điểm cá nhân.
Luôn là cổ vũ, động viên nhiệt thành cho con: Sự cổ vũ trên mọi “mặt trận” của cha mẹ chính là phương thức giúp các con tự tin hơn trong cuộc sống. Mỗi lúc khó khăn như bị điểm kém, bạn bè chê bai hay khi vui vẻ vì đạt được những thành tích đáng ngưỡng mộ trong học tập, các con đều mong đợi được cha mẹ động viên an ủi, yêu thương, khen ngợi. Đó là một động lực giúp các con vượt qua sự tự ti, mặc cảm và cả sự nhút nhát của chính mình.
Giúp con tự tin trước đám đông bằng cách khuyến khích tham gia hoạt động xã hội: Tình bạn đóng vai trò quan trọng giúp thúc đẩy sự tự tin và lòng tự trọng, đồng thời chúng cũng là một nguồn sức mạnh tinh thần cho hầu hết lứa tuổi học sinh. Tầm quan trọng của việc kết bạn được đánh giá gần tương đương với đạt được thành tích học tập tốt. Cha mẹ nên khuyến khích, tạo điều kiện cho chúng con tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa như diễn kịch, chơi nhạc, thể thao để giúp các con tự tin trước đám đông, khai phá những năng lực tiềm ẩn và bồi đắp sự tự tin.
4.3. Giải pháp dành cho Nhà trường và thầy, cô giáo
Khi học sinh thiếu tự tin trong giao tiếp thường hay kêu ca, phàn nàn hoặc nói những điều như: “con không thể làm được”; “con không biết làm thế nào”; “con sẽ không làm điều đó”... Chính vì thế, để khắc phục vấn đề trên phía Nhà trường và thầy, cô giáo có thể vận dụng một số giải pháp như sau:
Nhà trường cần xây dựng đa dạng và phong phú hơn các chương trình giảng dạy nhằm rèn luyện những "kỹ năng mềm" cho học sinh: Việc học tập, trau dồi kiến thức khi còn ngồi trên ghế nhà trường là một điều vô cùng cần thiết. Nhưng song song với điều đó, học sinh cũng cần được rèn luyện và nâng cao kỹ năng sống để có được thành công trong tương lai. Tại Việt Nam, việc đưa kỹ năng sống vào chương trình giảng dạy đang ngày càng được chú trọng, đặc biệt là đối với bậc trung học cơ sở. Các "kỹ năng mềm" này sẽ giúp các học sinh tự tin và có ý thức hơn trong cách ứng xử, giao tiếp. Từ đó tạo dựng và duy trì được những mối quan hệ tốt đẹp với những người xung quanh. Trong đó, kỹ năng giao tiếp ứng xử cũng cần được quam tâm chú trọng và thường xuyên cho lồng ghép vào chương trình học cũng như các hoạt động ngoại khóa.
Thầy, cô giáo không nên sửa lỗi của học sinh quá nhiều: Điều quan trọng là sửa chữa những sai lầm của học sinh, nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu thầy cô sửa mọi từ mà một học sinh nói? Khi học sinh mắc quá nhiều lỗi sai và giáo viên lại cứ chăm chăm vào những lỗi đó thì sự tự tin chắc chắn sẽ không còn. Hãy chỉ sửa lỗi sai khi thực sự cần thiết theo mục đích nào đó, nhưng không làm gián đoạn hoặc sửa đổi quá nhiều những gì học sinh đang trình bày.
Thầy, cô giáo nên khen ngợi: Vấn đề tiếp theo là giáo viên quên khen học sinh những gì các em đã làm rất tốt. Sau khi tham gia một hoạt động đóng vai, thầy cô hãy khen ngợi học sinh một điều gì đó. Ví dụ: "Các em thể hiện rất tốt! Cố gắng phát huy hơn nữa nhé!" Hay "Các em có năng khiếu diễn xuất đó chứ, cứ tự tin thể hiện như thế nhé!"...Và sau đó, có thể bổ sung những gì học sinh cần làm thêm, ví dụ như: "Nhưng con thiếu một vài sự kiện đã học từ tuần trước. Con có thể bổ sung ý này trong các bài viết hoặc bài kiểm tra sau". Cách nói với học sinh như vậy sẽ được các bạn đón nhận thông điệp, góp ý lỗi sai từ thầy cô một cách tích cực hơn.
Ứng dụng, liên hệ thực tiễn: Thầy cô nên cố gắng giảng dạy và liên hệ với thực tiễn cho phép học sinh chúng em tiếp nhận một cách dễ dàng, gần gũi hơn. Điều đó sẽ khiến học sinh tự tin hơn, thể hiện nhiều hơn, dễ dàng hơn.
Cho học sinh cơ hội để thành công: Trong lớp, có thể có học sinh gặp rất nhiều khó khăn – không hiểu, không tập trung, không thể nhắc lại được các nội dung kiến thức cũ. Thầy cô nên quan tâm để khắc phục những điểm yếu đó của học sinh (thiếu kỹ năng, ngôn ngữ hạn chế...) và phút huy các thế mạnh của khác của các em.
Ví dụ: Giáo viên dạy Ngữ văn có thể nhận ra rằng ở một vài lớp các em yếu trong việc diễn đạt lại cốt truyện của một văn bản truyện, nhưng các em lại có kĩ năng vẽ, giáo viên có thể đưa yêu cầu các em về nhà dựa vào cốt truyện và vẽ thành tranh ảnh (minh họa cho câu chuyện đó), đến khi vào tiết học Ngữ văn giáo viên treo tranh và yêu cầu các bạn học sinh nhìn tranh tự vẽ của mình sau đó trình bày lại bằng lời...đó cũng là một cách vừa tạo sự tự tin cho học sinh trong giao tiếp vừa phát huy năng lực của học sinh.
Sử dụng hình ảnh: Thầy cô nên dùng hình ảnh quảng cáo, poster, áp phích hoặc các tranh cổ động để giúp học sinh có cơ sở tiếp nhận và thể hiện sự hiểu biết. Nếu học sinh phải kể một câu chuyện hay diễn giải về một chủ đề cho lớp học, các bạn sẽ cảm thấy tự tin hơn nếu có một hình ảnh để dựa vào.
Hình thành và duy trì các thói quen từ ngày đầu tiên: Làm cho học sinh cảm thấy tự tin không khó khăn như thầy cô giáo vẫn hay nghĩ. Thầy cô nên dạy cho học sinh các mẫu câu, cụm từ quan trọng mà học sinh sẽ phải sử dụng nhiều lần như: Con cho rằng/Theo ý kiến cá nhân con/ Có rất nhiều ý kiến khác nhau nhưng,… Nếu học sinh liên tục lặp lại những cụm từ này thì các các bạn sẽ sớm trở thành một thói quen dần dần trở thành kĩ năng trong giao tiếp và học sinh sẽ nói một cách hết sức tự nhiên. Tạo thói quen bằng cách yêu cầu học sinh lặp lại mỗi ngày/tuần. Và tiếp tục hướng dẫn thêm những cách diễn đạt mới hoặc mở rộng phạm vi cũng như đối tượng giao tiếp.
Ví dụ: Trong giờ học Ngữ văn lớp 7- Bài luyện nói: Văn biểu cảm về sự vật, con người (tiết 2), thực hành luyện nói trước lớp – Sau khi yêu cầu các bạn học sinh trình bày bài viết đã chuẩn bị, trước khi chuyển sang phần nhận xét, giáo viên nên hướng dẫn các bạn cần nhận xét như thế nào? Nên nói về ưu điểm của bài trước, sau đó cho ý kiến góp ý với những vấn đề thiếu xót (nên định hướng cụ thể? Bài viết có bố cục rõ ràng chưa?Bài viết có tính mạch lạc không? Có triển khai đầy đủ các ý không? Có làm nổi bật lên đối tượng biểu cảm và tình cảm cần biểu hiện hay chưa?...). Đây là cách gợi ý để các bạn tự tin nhận xét, tránh rơi vào tình trạng nghe trình bày xong rồi lại chẳng biết nhận xét như thế nào.
5. Kết quả:
Sau một thời gian nghiên cứu đề tài này và áp dụng thử nghiệm vào thực tế Trường của chúng em, nhóm nghiên cứu nhận thấy bước đầu thu được những kết quả khả quan.
* Về phía nhà trường: Tuy điều kiện về cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn thế nhưng Ban Giám hiệu nhà trường và các thầy, cô giáo đã cố gắng, tận dụng tất cả các khoảng không gian để chúng em được vui đùa thỏa thích. Ban Giám hiệu nhà trường luôn quan tâm, chỉ đạo xây dựng kế hoạch hoạt động trải nghiệm, ngoại khóa, chuyên đề, câu lạc bộ... Đồng thời có sự kết hợp đồng bộ giữa giữa tổ chức Đội thiếu niên, giáo viên chủ nhiệm lớp, giáo viên bộ môn, Ban đại diện cha mẹ học sinh của trường…. Các hoạt động này diễn ra đan xen hàng tháng, cụ thể Nhà trường đã xây dựng một số kế hoạch như sau: Kế hoạch Tổ chức chương trình phát thanh măng non (năm học: 2020 – 2021); kế hoạch tập luyện các CLB học thuật và kỹ năng gồm: CLB học thuật; CLB ca múa; CLB kỹ năng TDTT; kế hoạch sân khấu hóa giờ chào cờ đầu tuần….
Nội dung: Mỗi tuần xây dựng một chủ đề riêng, phù hợp chủ điểm:
STT TUẦN NGÀY THÁNG LỚP CHỦ ĐỀ
SÁNG CHIỀU CS2
1 Tuần 06 12/10/2020 9A1 8A1 9A7 Tình mẹ, tình cô
2 Tuần 08 26/10/2020 9A2 8A2 8A7 Ứng xử văn hóa học đường
3 Tuần 11 16/11/2020 9A3 8A3 7A7 Kính yêu thầy cô giáo
4 Tuần 14 07/12/2020 9A4 8A4 7A8 Uống nước nhớ nguồn
5 Tuần 19 11/01/2021 9A5 8A5 6A8 An toàn giao thông ngày Tết
6 Tuần 21 25/01/2021 9A6 8A6 6A9 Mừng Đảng mừng xuân
7 Tuần 23 08/02/2021 7A1 6A1 9A7 Đoàn kết, thân ái, giúp đỡ nhau
8 Tuần 25 22/02/2021 7A2 6A2 8A7 Phòng chống rác thải nhựa
9 Tuần 27 08/03/2021 7A3 6A3 7A7 Yêu quý mẹ và cô giáo
10 Tuần 29 22/03/2021 7A4 6A4 7A8 Tiến bước lên Đoàn
11 Tuần 31 05/04/2021 7A5 6A5 6A8 Phòng tránh tai nạn đuối nước
12 Tuần 33 19/04/2020 7A6 6A6 6A9 Mừng non sông thống nhất
13 Tuần 35 03/05/2021 7A1 6A7 9A7 Kính yêu Bác Hồ
Nhà trường tổ chức cho các em HS thăm Đền thờ Bác – Châu Thới
Trong giờ lên lớp, các thầy cô đã chú ý đến cảm xúc của học sinh đối với bài giảng của mình bên cạnh điều cốt lõi là phải làm sao giúp cho các em dễ dàng tiếp thu kiến thức. Thầy cô gần gũi, chia sẻ với học sinh để hiểu các em nhiều hơn, cố gắng kiểm soát những cơn nóng giận, chuyển hóa nóng giận thành những phản ứng tích cực có lợi. Giúp mỗi giờ lên lớp thì cả thầy và trò có không khí vui vẻ, không áp lực, học sinh tự tin trong việc xây dựng trao đổi bài và chất lượng giờ học đã được nâng cao, điều đó rất có ích đối với các bạn học sinh.
Các em học sinh đang trang trí mâm cỗ
Một em học sinh đang thuyết trình cho mâm cỗ của lớp mình
Múa lân vui Trung thu 2020
Văn nghệ vui Trung thu 2020
Các kế hoạch trên, thầy trò Trường chúng em đã và đang thực hiện, tất cả đều thu được kết quả cao, hầu hết các hoạt động đều nhằm vào việc tuyên truyền về ý nghĩa các ngày lễ lớn, ý nghĩa của các chủ đề - chủ điểm theo từng tháng; những tin tức ở trường, …; Tạo diễn đàn cho các em HS nói lên suy nghĩ – nguyện vọng của mình; Tích lũy làm vốn kiến thức cho bản thân mình; Tạo điều kiện để học sinh tiếp cận với các hoạt động vui học, rèn luyện thêm một số kĩ năng trong giao tiếp, ứng xử, thực hành; tạo sân chơi giải trí lành mạnh, thấy được “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”; Phát hiện và bồi dưỡng những cá nhân có năng khiếu giúp các em tự nhận ra giá trị của bản thân, tự trau dồi để phát triển một cách toàn diện…
* Về phía các bạn học sinh: Khi các giải pháp được triển khai tại Trường chúng em, nhóm nghiên cứu nhận thấy một thực tế đáng mừng và cũng chính là nguồn động viên, khích lệ cho nhóm nghiên cứu đó là việc các bạn đã biết cách vận dụng những giải pháp đã nêu ở trên vào việc khắc phục những hạn chế trong giao tiếp, dần đem đến sự tự tin, mạnh dạn thể hiện mình trong giao tiếp. Các bạn đã có cái nhìn đúng đắn hơn về tầm quan trọng của sự tự tin trong giao tiếp sẽ giúp bản thân thành công trong tương lai, mỗi bạn điều đã áp dụng nó vào quá trình rèn luyện sự tự tin trong giao tiếp của chính mình để trở thành kỹ năng, kỹ xảo. Điển hình như các bạn học sinh ở lớp 6A1 của Trường chúng em, vào ngày 25 tháng 11 năm 2020, các bạn đã xin ý kiến thầy, cô giáo của mình Tổ chức buổi Tọa đàm tại lớp với chủ đề: "Tự tin trong giao tiếp", những nội dung thảo luận đã được các bạn đi sâu phân tích rõ việc nguyên nhân do đâu dẫn đến việc thiếu tự tin trong giao tiếp và chia sẻ một số ý kiến để xây dựng sự tự tin trong giao tiếp nhận ra tầm quan trọng của tự tin trong giao tiếp, mong muốn có nhiều buổi tọa đàm như thế sẽ được triển khai (Có video ghi hình kèm theo). Đối với các hoạt động và phong trào do nhà trường tổ chức thì 100% các khối lớp đều tham gia rất hào hứng.
Ảnh ghi nhận tại buổi Tọa đàm của các bạn HS lớp 6A1 Ảnh các bạn HS lớp 6A1 tham gia thảo luận trong buổi Tọa đàm
Thầy PHT phát động phong trào Tuần lễ học tập suốt đời
Các thầy cô giáo tham gia Lễ khai mạc phát động phong trào Tuần lễ học tập suốt đời
* Về phía cha mẹ học sinh: Từ các hoạt động được nhà trường tổ chức thường xuyên, có kế hoạch cụ thể cho các bạn học sinh, cha mẹ của các bạn đã nhận thấy tầm quan trọng của việc rèn luyện sư tự tin trong giao tiếp của chính con em mình. Đa số phụ huynh, nhìn nhận kết quả tích cực từ các hoạt động của nhà trường, minh chứng rõ ràng là kết quả học tập ngày một tiến bộ của các bạn, vui mừng khi thấy các bạn nhận được các phần thưởng từ các phong trào và hoạt động của trường tổ chức. Từ đó giúp các bậc cha mẹ đã có thói quen và sự tích cực hăng hái trong việc liên kết phối hợp chặt chẽ với nhà trường, thầy cô trong việc tổ chức các hoạt động rèn luyện các kỹ năng sống cho học sinh. Luôn ủng hộ và tạo điều kiện cho các bạn tham gia vào các hoạt động ngoại khóa như diễn kịch, chơi nhạc, thể thao để giúp các con tự tin trước đám đông, khai phá những năng lực tiềm ẩn và bồi đắp sự tự tin.
Các em HS được thầy hướng dẫn cách sử dụng mạng Internet trong việc tra cứu thông tin, kiến thức
Các em học sinh tham gia đọc sách trong phong trào Tuần lễ học tập suốt đời
III. Đề xuất và kiến nghị
Thời gian tới rất mong nhà trường, thầy cô và các bậc phụ huynh vẫn sẽ tiếp tục quan tâm xây dựng nhiều hoạt động bổ ích cho các em học sinh, nhằm thực hiện tốt những nhiệm vụ như: Tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học theo hướng hiện đại; phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực. Chuyển từ học chủ yếu trên lớp sang tổ chức hình thức học tập đa dạng, chú ý các hoạt động xã hội, ngoại khóa, nghiên cứu khoa học.
Riêng các bạn học sinh cấp THCS, cần quan tâm rèn luyện trau dồi bản thân nhiều hơn nữa và đặc biệt chú trọng rèn luyện sự tự tin trong giao tiếp. Hãy tin vào chính bản thân mình, yêu bản thân, yêu cuộc sống và làm chủ cuộc đời. Và nếu lỡ như có một nhược điểm nào đó mà các bạn gặp phải trong cuộc sống của mình thì thiếu tự tin trong giao tiếp là điều đầu tiên các bạn nên tránh. Thiếu tự tin trong giao tiếp, các bạn sẽ thiếu nhiều thứ và đánh mất nhiều điều tốt đẹp trong cuộc đời.
Trên đây là những nội dung nghiên cứu của nhóm chúng em. Rất mong sự đóng góp ý kiến, trao đổi, bổ sung từ phía quý thầy cô Ban giám khảo để kết quả càng được nâng cao.
Xin chân thành cảm ơn!
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Vũ Mạnh Quỳnh, (2015), Ứng xử sư phạm - Những điều cần biết, Nxb Thời đại.
2. Nguyễn Bá Minh, (2014), Giáo trình nhập môn khoa học giao tiếp, Nxb Đại học Sư phạm.
3. Nguyễn thị Kim Ngân (2014), Văn hóa giao tiếp trong nhà trường, Nxb Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh.
4. Nguyễn Mạnh Linh, (2013), Giao tiếp ứng xử, Nxb Thanh niên.
5. Nguyễn Văn Đồng, (2010), Tâm lý học giao tiếp, Nxb Chính trị - Hành chính.
6. Trần Đình Thích, (2009), Đôi điều suy nghĩ về văn hóa giao tiếp trong nhà trường, Kỷ yếu Hội thảo Giáo dục văn hóa giao tiếp trong nhà trường, Viện Nghiên cứu giáo dục ĐHSP TP Hồ Chí Minh.
7. Nguyễn Hoàng, (2009), Nói có hiệu quả trước công chúng, Nxb Lao động.
8. Đào Thị Kim Oanh, (2008), Một khía cạnh xây dựng văn hóa học đường nhìn từ góc độ tâm lý học, Tạp chí tâm lý học.
9. Chu Văn Đức, (2005), Giáo trình kĩ năng giao tiếp, Nxb. Hà Nội.
10. Dale Carnegie (Nguyễn Hiến Lê dịch), (2002), Đắc nhân tâm bí quyết thành công, Nxb Văn hóa thông tin.
11. Nguyễn Ngọc Nam, Nguyễn Hồng Ngọc, Nguyễn Công Khanh, (2000), Ẩn tượng trong phút đầu giao tiếp, Nxb Thanh niên.
12. Trần Trọng Thủy – Nguyễn sinh Huy, (1996), Nhập môn kỹ năng giao tiếp, Nxb Giáo dục.
13. Trần Hân, "Phương pháp giáo dục con của người Mỹ", NXB Hồng Bàng.
ĐỀ CƯƠNG NGHIÊN CỨU
(Kèm theo Tờ khai dành cho học sinh (1A))
----------
A. Lí do chọn đề tài
Trong thế kỷ 21, thời đại 4.0 hiện nay, kỹ năng giao tiếp, sự tự tin trong giao tiếp trở thành một năng lực quan trọng. Tự tin trong giao tiếp sẽ giúp chúng ta gửi gắm những tâm tư tình cảm vào trong từng câu nói, truyền đạt những thông tin đến người đối diện. Vì thế, việc rèn luyện sự tự tin trong thái độ sẽ khiến cuộc trò chuyện diễn ra vui vẻ, đạt được mục đích giao tiếp và để lại ấn tượng tốt đẹp về nhau.
Sẽ thật bất lợi nếu học sinh thiếu tự tin trong việc truyền tải nội dung, ý kiến của bản thân. Do đó, bên cạnh kiến thức được truyền dạy ở trường, ở lớp hay qua việc tự rèn luyện thì học sinh nên rèn luyện và nâng cao cho mình kỹ năng tự tin trong giao tiếp. Làm được như vậy, chắc chắn các bạn sẽ có thêm nhiều lợi thế, giúp các bạn phát triển toàn diện, vươn xa trên con đường học vấn.
Xuất phát từ những lý do đó, nhóm chúng em chọn đề tài: “Rèn luyện kỹ năng tự tin trong giao tiếp cho học sinh Trung học cơ sở”.
B. Câu hỏi nghiên cứu; Vấn đề nghiên cứu; Giả thuyết khoa học.
* Câu hỏi nghiên cứu: Nguyên nhân do đâu mà các bạn lại thiếu tự tin trong giao tiếp như vậy? Mất tự tin trong giao tiếp ảnh hưởng như thế nào đến sự phát triển của học sinh? Làm thế nào để giúp các bạn tự tin trong giao tiếp?
* Vấn đề nghiên cứu:
- Đánh giá thực trạng về sự thiếu tự tin trong giao tiếp của các bạn trẻ ngày nay.
- Khảo sát đánh giá sự thiếu tự tin trong giao tiếp của các bạn học sinh cấp Trung học cơ sở.
- Tìm hiểu, nắm bắt những nguyên nhân gây ra tình trạng thiếu